Báo cáo Bộ Chính trị chỉ lập 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Thứ năm - 17/04/2025 22:37
Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị để chỉ lập 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, đặt tại 2 nơi là TP.HCM và Đà Nẵng chứ không lập 2 trung tâm độc lập tại 2 thành phố.

Chiều 17.4, tiếp tục phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Báo cáo Bộ Chính trị chỉ lập 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam - Ảnh 1.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị việc lập trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam vào 25.4.  ẢNH: GIA HÂN

Cần thiết cho giai đoạn bứt phá

Tại tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ đề xuất lập một trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Đề xuất này khác với chủ trương đã được Bộ Chính trị kết luận, là thành lập 2 trung tâm tài chính, một tại TP.HCM và một tại Đà Nẵng. Bộ trưởng Thắng giải thích, sau quá trình khảo sát thực tế, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng 2 trung tâm tài chính quy mô, tầm cỡ khác nhau tại 2 thành phố có thể hiệu quả không cao, khả năng thành công thấp, nhất là trong bối cảnh mô hình này hoàn toàn mới ở Việt Nam.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình giải thích thêm, khi ông đi nước ngoài thì người ta rất ngỡ ngàng vì sao Việt Nam lại làm tới 2 trung tâm tài chính. Nền kinh tế lớn như Trung Quốc chỉ có 1 trung tâm tài chính là Thượng Hải hay cả khu vực ASEAN chỉ có trung tâm tài chính của Singapore.

"Quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ, chỉ khoảng 500 tỉ USD mà có 2 trung tâm tài chính quốc tế thì người ta nói hoặc một ông chết, một ông sống ngắc ngoải hoặc cả 2 cùng chết", ông Bình nói, và cho biết, Chính phủ đã bàn và quyết định chỉ có một trung tâm tài chính nhưng đặt ở 2 nơi với 2 định hướng hoạt động khác nhau, với khung pháp lý là nghị quyết của Quốc hội đang dự thảo.

Ông Bình cho biết, việc này sẽ được Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 25.4 tới.

"Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam là vấn đề mới, rất khó nhưng buộc phải làm vì cần thiết cho giai đoạn bứt phá sắp tới. Việt Nam đi sau rồi mà không có chính sách khác biệt, vượt trội thì người ta sẽ không vào", Phó thủ tướng nói, và nhấn mạnh thêm, trung tâm tài chính phải kết nối được toàn cầu.

Tránh "vẽ ra rất lớn nhưng nhà đầu tư không đến"

Báo cáo Bộ Chính trị chỉ lập 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần xác định rõ hơn mô hình của trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.  ẢNH: GIA HÂN

Tại dự thảo, Chính phủ cũng đề xuất loạt chính sách vượt trội như quy định nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu của thành viên trung tâm tài chính quốc tế hay nhà đầu tư được phép thành lập tổ chức kinh tế mà không cần phải có dự án đầu tư.

Nhà đầu tư cũng được quyền tự do kinh doanh, đầu tư với các tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam, người không cư trú hoặc với thành viên trung tâm tài chính quốc tế khác…

Góp ý, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đề án trung tâm tài chính quốc tế đang thiếu định lượng và mô hình cụ thể. Thực tế việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế hay khu thương mại tự do đều phải có nhà đầu tư chiến lược.

Ông đề nghị rút kinh nghiệm từ các khu kinh tế mở ra nhưng không có nhà đầu tư chiến lược, "vẽ ra rất lớn nhưng nhà đầu tư không đến, thành ra mênh mông đất nhưng bao năm nay để hoang".

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thông tin, thành phố chuẩn bị ký biên bản ghi nhớ với 7 nhà đầu tư trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, quỹ đầu tư cho khởi nghiệp startup, sàn giao dịch... Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo bước đầu thành công khi Đà Nẵng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Tuy vậy, ông đề nghị cần có cơ chế thông thoáng hơn, thậm chí vượt quy định luật hiện hành trong giao, thu hồi đất, luân chuyển dòng vốn... mới có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào trung tâm tài chính, từ đó thu hút tiếp các nhà đầu tư thứ cấp vào đây.

"Nếu không giải quyết được các vấn đề này, sẽ khó thu hút nhà đầu tư vào trung tâm tài chính", ông Quảng nói.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhìn nhận việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam còn "quá mới, khó". Ông đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ các nhóm chính sách tại dự thảo nghị quyết đủ cơ sở pháp lý để hình thành, vận hành trung tâm tài chính quốc tế, cũng như thu hút nhà đầu tư hay chưa.

Chính phủ cũng cần làm rõ mô hình, tính độc lập của hai cơ sở trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Cơ chế phối hợp giữa hai nơi này ra sao để bổ trợ lẫn nhau, đem lại hiệu quả, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Dự thảo Nghị quyết về trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp 9 vào tháng 5 tới.

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi