Agribank góp phần phát triển cây cà phê bền vững

Thứ sáu - 10/03/2017 00:27
Với việc chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các tổ chức tín dụng, Agribank đã góp phần tích cực vào việc phát triển bền vững cây cà phê nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung.

 

Ảnh minh họa
Tập trung nguồn vốn cho tái canh

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013, trước thực trạng diện tích cà phê già cỗi của khu vực Tây Nguyên đã được báo động, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra gói tín dụng tái canh cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên.

Sáng kiến này tăng thêm sức nặng khi NHNN cùng Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xây dựng phương án cho vay tái canh cây cà phê theo hướng có thể triển khai ngay tại từng tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, NHNN chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ triển khai chương trình cho vay tái canh cây cà phê thông qua Agribank.

Khi đó, chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 ra đời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1685/VPCP-KTTH, ngày 12/3/2015.

Đã gần 2 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với sự chỉ đạo sát sao của NHNN, sự vào cuộc tích cực của Agribank, chính sách cho vay tái canh cà phê đã đến với từng buôn làng xa xôi, giúp các hộ dân tái canh cây cà phê, bảo đảm sinh kế lâu bền.

Tính đến 31/12/2016, dư nợ cho vay đối với cây cà phê đạt 13.397 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay ngành cà phê của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Riêng cho vay tái canh cà phê, đến 31/12/2016, Agribank đã cho vay khu vực này đạt 746 tỷ đồng, tăng 1,18% so với cuối năm 2015.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên, trong đó, chú trọng nhất vẫn là các chính sách cho vay đối với cây công nghiệp nói chung và cây cà phê nói riêng.

Tính đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên đạt trên 45.000 tỷ đồng, chiếm 92,4% dư nợ cho vay đối với ngành cà phê toàn quốc và tăng 13,53% so với 31/12/2015.

Về chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên, được sự chỉ đạo của NHNN, Agribank đã triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 với diện tích tái canh khoảng 120.000 ha cùng với nguồn vốn 12.000-15.000 tỷ đồng do NHNN cấp để hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với Agribank.

Cần sự vào cuộc của nhiều bên

Mặc dù những năm qua đã có sự tham dự đồng bộ của nhiều cấp, ban, ngành trong công cuộc tái canh cây cà phê để hướng tới phát triển ngành cà phê bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hỗ trợ người dân Tây Nguyên xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hàng hoá… nhưng trong thực tế triển khai, vấn đề tín dụng cho tái canh 120.000 ha cà phê theo quy hoạch vẫn còn gặp khó khăn bởi nhiều nguyên nhân như người dân vẫn chưa mặn mà với việc tái canh thay thế vườn cà phê già cỗi, mà có xu hướng chặt bỏ để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, giá chuyển nhượng vườn cà phê ở thị trường thường rất cao, nhưng khi xác định giá thế chấp để vay vốn thì lại tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hằng năm, do đó, nguồn vốn mà các hộ được vay không thể đủ để thực hiện tái canh.

Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tái canh cà phê rất lớn, nhưng hạn chế về mức vốn tự có để tham gia vào thực hiện dự án theo quy định. Trong khi đó, các công ty thu mua cà phê có nhu cầu vay vốn để trả lại phần tiền cho các hộ nông trường viên liên kết (đang thực hiện tái canh cà phê) thì lại không được hưởng chính sách cho vay tái canh cà phê, nên không thể triển khai.

Ngoài ra, quy trình tái canh theo quy định của Bộ NN&PTNT còn những bất cập, chưa sát với thực tế, như vướng mắc về thời gian luân canh, về phân tích mầm bệnh, tuyến trùng trong đất và quy định về giống cây cà phê. Việc xác định diện tích tái canh cà phê, diện tích xen ghép cải tạo; xác định diện tích tái canh ở các mức độ khác nhau để lập cơ sở dữ liệu cho tái canh còn lúng túng ở các địa phương…

Vì vậy, để chương trình tái canh cà phê thực sự hiệu quả sự vào cuộc của ngành ngân hàng chưa đủ nếu thiếu sự hỗ trợ của địa phương cũng như các ngành các cấp trong việc hỗ trợ người dân các sinh kế ngắn hạn tạo nguồn thu trong giai đoạn tái canh cà phê.

Để phát triển cây cà phê bền vững, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉnh sửa cơ chế chính sách cả về hỗ trợ vốn cũng như cơ chế chính sách phê duyệt dự án theo loại hình này nhanh và gọn hơn, cùng chính sách tích tụ ruộng đất theo chủ trương của Chính phủ để tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Cùng với ngành ngân hàng đang tích cực trong việc điều chuyển nguồn vốn cho khu vực Tây Nguyên khi huy động tại chỗ chỉ đáp ứng chưa đầy 50% nhu cầu tín dụng, thì các doanh nghiệp tham gia vào ngành cà phê cũng cần phải gia tăng tính chủ động hơn nữa về nguồn vốn.

Đồng thời cũng rất cần các cơ chế và chính sách mới thiết thực, phù hợp kịp thời với quá trình tái canh cây cà phê nói riêng và phát triển cây công nghiệp nói chung từ Bộ NN&PTNT và các sở, ban, ngành địa phương khi tham gia dự án này.

Riêng về phía Agribank, hiện nay dư nợ cho vay tái canh cà phê của chi nhánh đã đạt 54 tỷ đồng với 555 ha cà phê trên tổng cam kết giải ngân 800 ha. Tuy nhiên, ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Agribank chi nhánh Đắk Lắk cam kết, chi nhánh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay tái canh cà phê, nhất là với các hộ dân với việc việc giải ngân thực hiện ngay trong ngày.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi