60 năm ngành dầu khí Việt Nam thực hiện ý nguyện của Bác Hồ

Thứ hai - 15/07/2019 03:29
Sáng 10/7, Hội Cựu chiến binh (CCB) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 60 năm ngành dầu khí Việt Nam thực hiện ý nguyện của Bác Hồ (23/7/1959-23/7/2019).

 


Ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng thành viên PVN  phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Linh Đan


Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập ngành dầu khí.

Đến dự buổi lễ có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, thành viên Hội đồng thành viên PVN Đinh Văn Sơn và cán bộ các đơn vị thành viên, các cựu lãnh đạo của ngành dầu khí qua các thời kỳ.

Ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng thành viên PVN cho biết: “Xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân, nhiều thế hệ người lao động dầu khí đã luôn nỗ lực với tinh thần vượt khó cao nhất. Sự khao khát thực hiện ý nguyện của Bác Hồ đã biến thành niềm hăng say lao động, kích thích  sự sáng tạo, nỗ lực vượt mọi gian nan thử thách trong những người lao động dầu khí…”.

Theo ông Sơn, hoạt động dầu khí hiện nay phải đối mặt với nhiều rủi ro, thuận lợi ít đi, khó khăn và thách thức nhiều hơn. Kỷ niệm 60 năm ngành dầu khí thực hiện ý nguyện của Bác Hồ là dịp để người lao động ngành dầu khí cùng ôn lại chặng đường lịch sử vinh quang, nhằm cùng nhau phát huy truyền thống của các thế hệ những người đi tìm lửa, nêu cao ý thức thương hiệu Petrovietnam gắn với thương hiệu quốc gia, lợi ích của Petrovietnam gắn với lợi ích của đất nước. Trong bất luận hoàn cảnh nào, người lao động dầu khí cũng không ngừng nỗ lực phấn đấu, lao động và sáng tạo, tiếp tục tiến bước vững chắc về phía trước, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Chia sẻ về các dấu mốc quan trọng của ngành dầu khí, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Nguyễn Hiệp kể, ngày 23/7/1959 đã đi vào lịch sử của ngành dầu khí khi Bác Hồ trong chuyến thăm Khu công nghiệp dầu lửa BaKu (Azerbaijan) đã đề nghị Liên Xô giúp Việt Nam  xây dựng những khu công nghiệp dầu khí mạnh….

Đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, là niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Ngay sau chuyến thăm BaKu, Đảng và Bác Hồ đã có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt mở đầu cho sự hình thành và phát triển nhanh chóng của ngành dầu khí.

 

Ảnh: VGP/Linh Đan


Nhiều cán bộ đã được Đảng và Nhà nước cử sang Liên Xô (cũ) cũng như các nước XHCN để học. Liên Xô cũng đã cử nhiều chuyên gia có kinh nghiệm giúp Việt Nam nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí, từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam mang tên “Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Từ ý nguyện của Bác, trải qua 60 năm, nhìn lại chặng đường đã qua, ngành dầu khí mà chủ lực là PVN trong các bước ngoặt lịch sử đều có dấu ấn và sự chỉ đạo thành công của Đảng, Chính phủ, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh.

Những người lao động dầu khí qua các thời kỳ, với lòng say mê và khát vọng vươn lên, đã làm việc bền bỉ, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; xây dựng PVN hiện đại và đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến tàng trữ, vận chuyển, chế biến, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong tham luận trình bày tại tọa đàm, Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân chia sẻ: Ngành dầu khí Việt Nam có sự gắn bó mật thiết với quân đội, bên cạnh các nhà khoa học, địa chất, kinh tế… là các chiến sĩ quân đội tham gia cùng với cán bộ, công nhân viên trong ngành dầu khí ngay từ những ngày đầu thành lập. Hiện nay, ngành dầu khí và lực lượng quân đội vẫn tiếp tục gắn bó với nhau, tham gia cùng với ngành dầu khí trong nhiều lĩnh vực từ vận tải, thăm dò đến khai thác…

Đồng tình với nhiều ý kiến về đóng góp của ngành dầu khí cho đất nước nói chung và cho tỉnh Cà Mau nói riêng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Cà Mau là tỉnh ở cực Nam Tổ quốc, xa các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, việc hình thành Cụm công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau do PVN đầu tư đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất U Minh, đóng góp gần 30% ngân sách cho địa phương.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi