![]() |
Nếu được đầu tư thỏa đáng, cả thế giới có thể nhanh chóng mở rộng điều trị và đạt mục tiêu 30 triệu người được điều trị kháng HIV vào năm 2030 |
Nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12), Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam đã phát đi thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon về tình hình dịch HIV/AIDS.
Thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nêu rõ: Ngày hôm nay, 35 năm sau khi AIDS xuất hiện, toàn thế giới đã có thể tự hào khi nhìn lại các nỗ lực phòng chống dịch. Nhưng chúng ta cũng phải hướng về phía trước với quyết tâm và cam kết chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Thế giới đã đạt được những bước tiến thực sự to lớn. Số người được điều trị HIV đã tăng cao hơn bao giờ hết. Kể từ năm 2010, số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm một nửa. Cứ mỗi năm số người tử vong do AIDS lại giảm thêm. Và những người nhiễm HIV đang ngày càng có tuổi thọ dài hơn.
Trong vòng 5 năm qua, số người tiếp cận được thuốc kháng HIV để kéo dài cuộc sống đã tăng gấp hai lần, hiện đạt 18 triệu. Nếu được đầu tư thỏa đáng, cả thế giới có thể nhanh chóng mở rộng điều trị và đạt mục tiêu 30 triệu người được điều trị kháng HIV vào năm 2030. Hơn 75% những bà mẹ cần thuốc kháng HIV để ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con đã tiếp cận được chương trình điều trị.
Các thành quả đạt được dù to lớn, nhưng vẫn còn mong manh. Phụ nữ trẻ ở những quốc gia có tỉ lệ nhiễm HIV cao đặc biệt dễ bị tổn thương, nhất là ở vùng sa mạc cận Sahara thuộc châu Phi. Những nhóm người có nguy cơ cao tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV. Số nhiễm HIV mới đang gia tăng trong nhóm người tiêm chích ma túy, đồng tính nam và những người nam quan hệ tình dục đồng giới khác.
Dịch AIDS đang diễn biến nghiêm trọng hơn ở khu vực Đông Âu và Trung Á, là hệ lụy của tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử và hệ thống chính sách pháp luật mang tính trừng phạt.
Trên phạm vi toàn cầu, những người bị thiệt thòi về kinh tế không tiếp cận được đầy đủ đến các dịch vụ phòng, chống HIV. Tình trạng hình sự hóa và phân biệt đối xử đối với các hành vi nguy cơ cao đang tạo điều kiện để các ca nhiễm HIV mới tiếp tục xảy ra mỗi ngày. Phụ nữ và trẻ em vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.
Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững đã được thông qua với cam kết không bỏ bất kỳ ai rớt lại phía sau và cam kết này không ở đâu quan trọng hơn trong phòng chống AIDS. Hỗ trợ những người trẻ tuổi, những người dễ bị tổn thương và bị lề hóa sẽ giúp khống chế được dịch HIV.
Khung chiến lược của UNAIDS được xây dựng hài hòa với các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nêu rõ mối liên hệ giữa công tác phòng chống HIV với tiến bộ trên các lĩnh vực giáo dục, xây dựng xã hội, bảo đảm bình đẳng giới và các quyền con người. Liên Hợp Quốc và UNAIDS đã cam kết tìm ra những cách tiếp cận mới nhằm kết thúc được dịch bệnh này.
Trong thập kỷ phòng chống AIDS đầu tiên, những nhóm người bị ảnh hưởng bởi dịch không chấp nhận sự thụ động, tầm thường và yếu mềm trong đáp ứng với AIDS. Sự dũng cảm của họ đã thúc đẩy tiến bộ trong việc bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và trẻ em, giảm giá thành các loại thuốc giúp kéo dài cuộc sống và giúp những người yếu thế được lên tiếng. Toàn thế giới cần đoàn kết lại với cùng một tinh thần không khoan nhượng như vậy.
Kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi mạnh mẽ tới tất cả mọi người: Hãy cùng nhau củng cố cam kết để biến tầm nhìn chung của chúng ta về một thế giới không còn AIDS trở thành hiện thực.
Nỗ lực xóa dịch HIV/AIDS ở Việt Nam
Trong hơn 26 năm qua, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Năm 2016 là năm thứ 9, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.
Việt Nam đã triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều mô hình tốt trong các lĩnh vực khác nhau như: Các chương trình can thiệp giảm tác hại mà điển hình là điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, chương trình khuyến khích sử dụng bao cao su, trao đổi bơm kim tiêm sạch.
Cùng với đó là mở rộng điều trị thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV không phụ thuộc số lượng tế bào CD4 cho nhiều nhóm đối tượng; triển khai sáng kiến điều trị 2.0; cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng do cán bộ y tế và do các tổ chức dựa vào cộng đồng thực hiện đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hợp Quốc đã phát động trên toàn cầu (đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), ngay từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu này.
Năm 2015 và năm 2016, Việt Nam đã tập trung thực hiện và quyết tâm thực hiện thành công vào năm 2020. Đó là cơ sở và điều kiện cần thiết để nước ta tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế cũng đã tổ chức triển khai Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thanh toán thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV. Trong đó, dự kiến, năm 2017 bắt đầu thực hiện chi trả thuốc ARV từ nguồn BHYT chiếm khoảng 15% số người bệnh và tăng dần trong những năm tiếp theo, phấn đấu đạt 70% số người bệnh điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Việt Nam hiện là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan.Đến nay, toàn quốc có gần 230.000 trường hợp nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo và tính từ đầu vụ dịch HIV/AIDS đến nay đã có xấp xỉ 90.000 người nhiễm HIV/AIDS tử vong. |
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn