Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư - Bài 1: Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta

Thứ ba - 15/04/2025 22:27
Năm 2025 là năm mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực”.

Đây là nhiệm vụ không thể trì hoãn, cần phải làm ngay và làm quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đây là thời điểm vàng để tinh gọn bộ máy”.

Để hoàn thành mục tiêu ấy, ngày 28-2-2025, Bộ Chính trịBan Bí thư đã ban hành Kết luận số 127-KL/TW về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, tiến độ thực hiện và chỉ đạo cụ thể những việc cần làm ngay và làm quyết liệt, triệt để ở tất cả các cơ quan, bộ, ban, ngành và địa phương.

Bài 1: Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta

Vấn đề tinh gọn bộ máy Nhà nước không phải đến bây giờ mới được đề cập; trong lịch sử và trên thế giới, đã có nhiều nước thực hiện tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đạt được những thành tựu to lớn.

Lịch sử dân tộc ta ghi nhận, thời nhà Nguyễn (1802-1884) là triều đại tiên phong trong tinh gọn bộ máy Nhà nước. Dưới thời Nguyễn, việc tinh giản đội ngũ quan lại là một trong những biện pháp được tiến hành thường xuyên với phương châm thực hiện là: “Việc chính trị hay dở cốt không phải nhiều người mà chủ yếu ở người hiền tài”. Một mặt, giảm số tiền mà Nhà nước phải trả lương cho quan lại hằng năm; mặt khác bộ máy Nhà nước cồng kềnh, nhiều quan chức là một trong những nguyên nhân của tệ tham nhũng, quan liêu. Điển hình là sự kiện năm 1868, thời vua Tự Đức, do bộ máy Nhà nước ngày càng phình to hơn, nhà vua đã cho “giảm ở Kinh 24 nha, từ tứ phẩm thuộc viên đến vị nhập lưu thư lại là 139 viên; ở ngoài 25 phủ, tỉnh, đạo, từ hậu bổ đến thông lại thừa biện là 142 viên, để lại có số nhất định, chi lương ngạch nhất định, cho đều xứng với công việc”.

Sách Đại Nam thực lục ghi chép rất cụ thể về việc cắt giảm viên chức và số lượng quan lại ở các cơ quan Trung ương và địa phương, số lượng nhân viên ở các bộ không quá cồng kềnh: Nhiều nhất là Bộ Binh cũng chỉ có 176 viên, ít nhất là Bộ Hộ: 50 viên. Đối với địa phương, ở những nơi công việc không nhiều, tình hình không phức tạp Nhà nước đã mạnh dạn giảm bớt số quan lại để giảm chi phí lương bổng và giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân. Số nhân sự nhiều nhất của một tỉnh là 173 viên (tỉnh Sơn Tây), còn tỉnh ít nhất chỉ có 17 viên (tỉnh Hưng Yên) phụ trách toàn bộ công việc trong tỉnh. Điều đó cho thấy sự linh hoạt của nhà Nguyễn trong quản lý và phân bổ nguồn nhân lực.

Trên thế giới, Singapore là nước tiên phong thực hiện tinh gọn bộ máy đi đôi với quản trị hiệu quả. Chính phủ Singapore chủ trương xây dựng chính phủ điện tử từ gốc rễ để vượt qua tham nhũng. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa ra các quyết định táo bạo để sắp xếp lại bộ máy, cắt giảm các cơ quan hoạt động kém hiệu quả và hợp nhất các chức năng chồng chéo. Ông không ngại thay thế hoặc loại bỏ các cán bộ không đáp ứng được tiêu chuẩn. Đồng thời, khuyến khích cán bộ công chức làm việc vì mục tiêu chung, thậm chí phải từ bỏ các quyền lợi cá nhân để đáp ứng yêu cầu công việc. Kết quả là bộ máy nhỏ gọn, nhưng vận hành cực kỳ hiệu quả, trở thành một trong những nền hành chính công minh bạch và hiệu quả nhất thế giới.

Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư - Bài 1: Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: TTXVN

Hay như New Zealand, Hàn Quốc, những nước phát triển với bước đi, cách làm quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện giảm biên chế và đầu tư vào công nghệ. Ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hóa nhiều quy trình trong quản lý nhà nước, giúp giảm số lượng nhân sự cần thiết mà vẫn nâng cao chất lượng dịch vụ công. Trong các cuộc cải cách, nhiều lãnh đạo sẵn sàng đối mặt với phản đối từ các nhóm lợi ích để ưu tiên mục tiêu chung. Yêu cầu các cán bộ công chức phải minh bạch về hiệu quả công việc của mình; những người không đáp ứng tiêu chí sẽ bị thay thế, bất kể vị trí hay thâm niên công tác. Kết quả là bộ máy công quyền nhỏ hơn, nhưng hiện đại và linh hoạt hơn, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước.

Trên thực tế, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt tách, nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Vào năm 1976 đất nước ta có 38 tỉnh, thành phố, đến năm 1978 con số đơn vị cấp tỉnh nâng lên 39, năm 1979 là 40, năm 1989 là 44, năm 1991 là 53, năm 1996 là 61, năm 2004 là 64 và năm 2008 còn 63 tỉnh, thành. Ở thời điểm sau năm 1976, nước ta đi theo xu hướng tách các địa phương ra nhiều tỉnh, thành phố vì điều kiện đi lại khó khăn, công nghệ, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Hiện tại, việc chia tách này đem lại sự manh mún, không phù hợp với điều kiện thực tế và đòi hỏi của sự phát triển chung.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư khẳng định chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay là tất yếu khách quan, là con đường “duy nhất đúng” để đưa đất nước ta phát triển hùng cường. Trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và nhiều biến động, việc xây dựng một bộ máy hành chính “tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực” không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là động lực phát triển của quốc gia. Bộ máy hành chính cồng kềnh không chỉ tiêu tốn nguồn lực quốc gia mà còn làm chậm quá trình ra quyết định, gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách. Hệ quả là sự kém hiệu quả, thiếu minh bạch và làm mất lòng tin của người dân vào chính quyền.

Như vậy, Kết luận số 127-KL/TW được ban hành là kết quả của quá trình nghiên cứu chuyên sâu, có kế thừa truyền thống lịch sử nước nhà; là sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, có sự tiếp thu kinh nghiệm từ thế giới chứ không phải là việc làm cảm tính, phép thử “may rủi” như một số cá nhân phản động tuyên truyền. Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, là bước đi tiếp theo trong thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Kết luận số 121-KL/TW, ngày 24-1-2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Việc tinh gọn bộ máy sẽ không chỉ giải quyết vấn đề nội tại mà còn tạo động lực phát triển bền vững cho đất nước trong tương lai. Việt Nam không chỉ tiết kiệm thời gian cải cách mà còn tăng tốc, bứt phá xây dựng một bộ máy hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển quốc gia.

Thực tế, đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới gắn liền với cuộc cách mạng về thể chế kinh tế đã đưa đất nước từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành tựu mang tính lịch sử. Đây là nguyên nhân, cũng là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn được tiến hành bởi một hệ thống chính trị không khác nhiều so với thời kỳ của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Dẫn đến tình thế khó khăn, 70% ngân sách Nhà nước chi thường xuyên chỉ còn 30% để đầu tư cho sự phát triển cùng những vấn đề an sinh xã hội khác. Vì vậy, vấn đề cốt lõi của chủ trương lớn mang tính cách mạng sâu sắc là phải “tinh gọn bộ máy” để hệ thống chính trị của Nhà nước do Đảng lãnh đạo vận hành theo hướng thích ứng với một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập sâu rộng và hiệu quả, dù nền kinh tế thị trường của ta có đặc điểm rất riêng như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Chúng ta không thể sống và làm khác biệt với thế giới xung quanh”.

Trước đây, Nhà nước ta chưa có điều kiện để thực hiện công tác này, vì điều kiện kinh tế còn thấp, trình độ dân trí còn hạn chế; chưa có Cách mạng công nghiệp 4.0, nên vẫn phải để mô hình chính quyền 3 cấp ở địa phương và 4 cấp ở cả nước. Thời điểm này, chúng ta thực hiện bỏ cấp trung gian cũng như sáp nhập tỉnh dựa trên căn cứ về quy mô dân số, diện tích và nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới là phù hợp. Việc sắp xếp vẫn bảo đảm tính hiệu quả của công việc, các chủ trương vẫn đến được với người dân; đạt được mục tiêu, yêu cầu vì cuộc sống của người dân, lấy phục vụ người dân làm trung tâm.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng: Kết luận số 127-KL/TW được ban hành là cần thiết, đúng đắn, đúng thời điểm; thể hiện nhãn quan chính trị sâu sắc, tư duy nhạy bén, tầm nhìn chiến lược sâu rộng và sáng suốt của Đảng ta, khẩn trương và quyết liệt thực hiện tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì mục tiêu chiến lược là đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa có thu nhập cao.

Nguồn tin: qdnd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi