Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2025, sau khi Đại hội biểu quyết thông qua Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025, thay mặt Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã đọc báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đại hội biểu quyết thông qua Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025
Theo báo cáo chính trị, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Cán sự Đảng nay là Ban Thường vụ Đảng ủy và Đảng ủy Bộ Công Thương đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị, bám sát đường lối của Đảng, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và hiệu quả trên các mặt công tác, đạt được nhiều kết quả nổi bật như:
Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Bộ Công Thương đã lãnh đạo hiệu quả nhiệm vụ chính trị, giữ vững trụ cột ngành, bảo đảm an ninh năng lượng, xăng dầu, hàng thiết yếu. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường; kỷ luật, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu nâng cao rõ rệt. Đột phá thể chế, chính sách được đẩy mạnh; mô hình tăng trưởng tái cấu trúc phù hợp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập.
Không những vậy, bộ máy tổ chức tiếp tục được kiện toàn, củng cố, tinh gọn, quản trị linh hoạt theo hướng giảm tầng nấc trung gian, đồng bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm thực hiện hiệu quả và thực chất trên, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và vận hành Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Cùng đó, công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân được thực hiện nghiêm túc, có nhiều đổi mới; nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được nâng cao, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. tham gia tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung toàn cầu về giải quyết các thách thức, nắm bắt các cơ hội thúc đẩy hợp tác phát triển.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã đọc báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025
Về những kết quả cụ thể, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết:
Thứ nhất, về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của ngành
Một là, công nghiệp tiếp tục đóng vai trò then chốt, chiếm trên 30% GDP, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 80%, khẳng định vị thế trung tâm sản xuất khu vực.
Hai là, ngành điện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 99%, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 30 thế giới về phát triển hạ tầng điện vào năm 2024. Ngành dầu khí phát triển đồng bộ từ thượng nguồn đến hạ nguồn, sản lượng xăng dầu đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước; nguồn khí (kể cả LNG nhập khẩu) bảo đảm đủ cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp.
Ba là, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 10%, đóng góp quan trọng vào GDP, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 ước đạt trên 800 tỷ USD, thặng dư thương mại duy trì mức cao.
Bốn là, thị trường trong nước giữ vai trò trụ cột, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 8,1%/năm; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, đạt 25 tỷ USD năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ, là động lực thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.
Thứ hai, về tiến trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành đến năm 2030, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực tự chủ. Quá trình tái cơ cấu đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Công nghiệp tiếp tục được mở rộng, giữ vai trò động lực tăng trưởng với chỉ số sản xuất bình quân tăng 6,3%/năm; công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu và tăng trưởng ổn định. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực, giảm dần khai khoáng, phát triển mạnh công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngành điện tái cơ cấu theo hướng thị trường cạnh tranh; năng lượng tái tạo phát triển nhanh, chiếm 26,8% công suất và 13,4% sản lượng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững.
Cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hàng chế biến, chế tạo chiếm 85% vào năm 2025; nhiên liệu, khoáng sản giảm dưới 1%. Thị trường xuất khẩu mở rộng, giảm lệ thuộc vào thị trường châu Á, tăng giao thương với châu Mỹ, châu Âu; ưu tiên xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, xanh; nhập khẩu thiết bị hiện đại. Việt Nam duy trì quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, thực hiện 17 FTA; xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng khá, năng lực hội nhập được nâng cao.
Đoàn đại biểu Báo Công Thương tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030
Đại hội với sự tham dự của 250 đại biểu ưu tú, đại diện cho 2.671 đảng viên của 38 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương.
Thị trường trong nước hiện đại hóa mạnh mẽ; thương mại hiện đại chiếm 30% bán lẻ; thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng đạt mức 18-25%/năm, dự kiến đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Tăng cường tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng phục vụ và bảo vệ người tiêu dùng.
Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được triển khai quyết liệt, hiệu quả; giai đoạn 2021-2025, kiểm tra gần 290.000 vụ, xử lý gần 200.000 vụ vi phạm. Công tác hoàn thiện thể chế, nhất là trong quản lý kinh doanh xăng dầu, được đẩy mạnh, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Thứ ba, về thực hiện 3 đột phá chiến lược
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kết luận số 19-KL/TW, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, trình ban hành trên 250 văn bản pháp luật (gồm 05 luật, 51 nghị định) và hơn 20 chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng như: Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Điện lực, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi); cùng các nghị định về thương mại điện tử, xăng dầu, khí, điện lực, thị trường, ngoại thương…, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Bộ Công Thương đang tiếp tục xây dựng các dự án luật mới như: Luật Phát triển sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Luật Thương mại điện tử; nghiên cứu sửa đổi Luật Thương mại, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Thứ tư, về hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển thị trường nước ngoài
Với vai trò là cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đã chủ trì đàm phán, ký kết và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Giai đoạn 2020 - 2025, Việt Nam ký thêm 4 FTA, nâng tổng số lên 17 hiệp định với 65 đối tác, đồng thời đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện có. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xử lý linh hoạt các vấn đề thương mại, bảo đảm lợi ích quốc gia và duy trì ổn định quan hệ đối ngoại.
Thứ năm, về xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu quốc gia
Công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu quốc gia được đẩy mạnh, đổi mới toàn diện. Hệ thống thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại hoạt động hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường toàn cầu. Gần 1.000 đề án XTTM với kinh phí trên 800 tỷ đồng được triển khai, ký kết hơn 30 biên bản hợp tác quốc tế; XTTM trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ mới được thúc đẩy, mang lại hiệu quả thiết thực. Thương hiệu quốc gia được quan tâm phát triển, với khoảng 1.000 sản phẩm của gần 500 doanh nghiệp đạt danh hiệu; thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 xếp thứ 32 thế giới, đứng thứ 2 Đông Nam Á, khẳng định uy tín hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.
Thứ sáu, về phòng vệ thương mại và quản lý cạnh tranh
Về phòng vệ thương mại, trước nguy cơ hàng nhập khẩu bán phá giá, trợ cấp gây thiệt hại sản xuất trong nước, Bộ Công Thương tăng cường triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại. Giai đoạn 2020 - 2025, đã khởi xướng 55 vụ điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với 32 vụ, chủ yếu trong các ngành chế biến, vật liệu, tiêu dùng, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và an ninh kinh tế. Đồng thời, Bộ tích cực ứng phó 286 vụ kiện phòng vệ thương mại từ 25 thị trường, vận hành hệ thống cảnh báo sớm, bảo vệ hàng xuất khẩu và năng lực cạnh tranh quốc tế.
Về quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Việc kiện toàn mô hình quản lý thành Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia góp phần nâng cao hiệu quả giám sát tập trung kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh; đã thẩm định trên 800 hồ sơ, xử lý gần 100 vụ việc vi phạm. Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tăng cường, giám sát trên 50 chương trình thu hồi sản phẩm, xử lý hơn 1.500 phản ánh, khiếu nại mỗi năm. Hoạt động quản lý kinh doanh đa cấp được siết chặt, góp phần ngăn chặn biến tướng, bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ bảy, về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được Bộ Công Thương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Giai đoạn 2021-2024, Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 57/662 điều kiện kinh doanh (đạt 8,61%), năm 2025 Bộ dự kiến cắt giảm 160/560 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 28,57%), tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều vướng mắc như xăng dầu, hóa chất, xúc tiến thương mại…; Bộ đã bãi bỏ 95 thủ tục hành chính, sửa đổi bổ sung 347 thủ tục hành chính và phân cấp hàng trăm thủ tục hành chính giúp Bộ duy trì vị trí cao trong nhóm các bộ, ngành dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính;. 100% thủ tục hành chính cung cấp ở cấp độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cung cấp 267 dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực như quản lý xuất nhập khẩu, năng lượng, và thương mại điện tử trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Tổng số nhiệm vụ phân quyền, phân cấp cho địa phương là 208/401 nhiệm vụ (chiếm tỉ lệ 52%) tổng số nhiệm vụ, quyền hạn có thể phân quyền, phân cấp.
Tám là, về phát triển công thương địa phương
Hoạt động phát triển công thương địa phương được đẩy mạnh thông qua Chương trình khuyến công quốc gia, hỗ trợ công nghiệp nông thôn, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến. Chương trình góp phần phát triển cụm công nghiệp, tạo việc làm, nâng thu nhập, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa nông thôn.
Chín là, về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh
Bộ Công Thương triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và chuyển đổi xanh; hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải, sản xuất sạch, tiêu dùng bền vững. Đồng thời, lồng ghép cam kết môi trường trong các FTA, thúc đẩy thương mại xanh và phân phối thân thiện môi trường.
Dù đạt được những kết quả tích cực, xong bài học kinh nghiệm trong hoạt động, quản lý vận hành, thúc đẩy công nghiệp, thương mại phát triển của nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ là nền tảng bứt phá cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược
Trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đảng bộ Bộ Công Thương xác định rõ phương hướng hoạt động đó là việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng toàn diện, tạo chuyển biến rõ nét, xây dựng Đảng bộ Bộ Công Thương trong sạch, vững mạnh. Lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Chủ động hiện thực hóa định hướng của Trung ương, phát huy nội lực, triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới ngành Công Thương theo hướng tự chủ, bền vững, đủ sức cạnh tranh toàn cầu; xác định trọng tâm, tháo gỡ điểm nghẽn, hoàn thành mục tiêu phát triển giai đoạn 2025-2030.
Hiện thực hóa phương hướng trên, ngành Công Thương đặt mục tiêu hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; ngành Công Thương đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, vào nhóm dẫn đầu ASEAN, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu; duy trì vị thế top 20 về xuất khẩu và top 30 thị trường bán lẻ toàn cầu. Đồng thời, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, năng lượng; phát triển hạ tầng năng lượng, thương mại, logistics hiện đại, tiệm cận nhóm đầu ASEAN.
Tiếp tục xây dựng Đảng bộ Bộ Công Thương trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt tiêu biểu, có năng lực đáp ứng tình hình mới; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Trong đó, Đảng bộ Bộ Công Thương xác định nhiệm vụ trọng tâm là:
Một là, xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, giữ vai trò hạt nhân đoàn kết, gương mẫu, đủ năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hệ thống chính trị;
Hai là, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh gọn, rõ chức năng - nhiệm vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành; Nâng cao chất lượng tham mưu chiến lược, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số;
Ba là, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành, khơi thông nguồn lực;
Bốn là, ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật về công nghiệp thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và các ngành, lĩnh vực trọng điểm.
Năm là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng nội địa trong sản xuất công nghiệp và hàng hoá xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng công nghiệp, năng lượng, thương mại hiện đại và cạnh tranh.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cấp và ký kết các FTA mới, mở rộng hợp tác quốc tế về công nghiệp, thương mại, năng lượng.
Bảy là, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước theo hướng bền vững, cạnh tranh toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị, hình thành các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, năng lượng, phân phối, logistics.
Các đột phá chiến lược
Một là, đột phá về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, hiện đại cho lĩnh vực công nghiệp và thương mại, tạo nền tảng giải phóng mọi nguồn lực phát triển ngành.
Hai là, đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng hạ tầng năng lượng, công nghiệp, thương mại hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và năng suất ngành.
Ba là, đột phá về phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp, ưu tiên hình thành các tập đoàn tư nhân và nhà nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
Bốn là, đột phá về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, gắn với chuyển đổi số toàn diện trong công tác đảng, từng bước xây dựng mô hình tổ chức đảng hiện đại, linh hoạt, thích ứng với thời đại số.
Năm là, đột phá trong công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cấp ủy và kế cận có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, khát vọng cống hiến; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Sáu là, đột phá về cải cách hành chính trong Đảng, tinh gọn tổ chức, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả phối hợp và điều hành; đẩy mạnh phân cấp gắn với kiểm soát quyền lực và quy trình làm việc thông minh, liên thông.
Một số chỉ tiêu cụ thể:
(1) Hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong chương trình xây dựng pháp luật hằng năm.
(2) Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển của ngành Công Thương giai đoạn 2025-2030 đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2025 - 2030.
(3) Quyết tâm, phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp, thương mại như sau: (i) Tỷ trọng công nghiệp đạt khoảng 35% GDP, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 28% vào năm 2030; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 12-12.5%/năm; (ii) Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 13,5-14,5%/năm; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước 10-12%/năm; (iii) Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu đạt 13,0 - 13,5%/năm; (iv) Đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm. Đến năm 2030, điện thương phẩm đạt khoảng 500,4 - 557,8 tỷ kWh; điện sản xuất và nhập khẩu đạt khoảng 560,4 - 624,6 tỷ kWh. Tỷ trọng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 30% vào năm 2030; Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân 1-1,5%/năm; Tỉ lệ tiết kiệm năng lượng đạt khoảng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội bình thường.
(4) 100% cán bộ, đảng viên học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng, Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I và Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030; các chỉ thị, kết luận, nghị quyết khác của Trung ương Đảng và đảng ủy các cấp.
(5) 100% Đảng bộ, chi bộ trực thuộc xây dựng Chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030, Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
(6) 100% cán bộ, đảng viên đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
(7) Phấn đấu 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có ít nhất 10 - 15% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hằng năm, phấn đấu trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 20% đảng bộ, chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hằng năm, phấn đấu tỷ lệ kết nạp đảng viên mới từ 3-4% trên tổng số đảng viên.
(8) 100% đảng bộ, chi bộ tiến hành tự kiểm tra, giám sát; trong đó có ít nhất 20% đảng bộ, chi bộ được kiểm tra theo Điều 30 Điều lệ Đảng. Mỗi năm thực hiện giám sát theo chuyên đề từ 4 - 6 đảng bộ, chi bộ.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn