Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ: Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Thị trường trong nước. Về phía tỉnh Bình Định có ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Johan Ndisi - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cùng lãnh đạo Tập đoàn Syre.
Tại buổi làm việc, ông Johan Ndisi - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển là mối quan hệ lâu dài, bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp hai nước cũng được phát triển từ rất lâu. Thụy Điển có rất nhiều doanh nghiệp lớn và tiên phong trong lĩnh vực phát triển công nghệ xanh và kỹ thuật số. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp Thụy Điển tham gia đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, qua đó góp phần tạo việc làm cho người dân Việt Nam và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp vốn có của hai nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Syre cho biết, Tập đoàn được thành lập năm 2023 bởi Vargas Holding, một nhà đầu tư toàn cầu và Tập đoàn bán lẻ Thụy Điển H&M Group. Theo đó, Syre hướng tới chuyển đổi chuỗi giá trị từ hệ thống tuyến tính sang hệ thống tuần hoàn bằng cách sử dụng chất thải dệt để tạo ra các sản phẩm polyester tuần hoàn chất lượng cao. Tập đoàn Syre dự kiến đầu tư Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester công nghệ cao tại Bình Định với tổng mức đầu tư từ 700 triệu - 1 tỷ USD. Dự án được đầu tư với mục tiêu thiết lập trung tâm toàn cầu đầu tiên cho ngành dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và EU, định hướng phát triển theo mô hình Net Zero. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn dầu trong việc phát triển nền kinh tế dệt may tuần hoàn.
Sau khi nghe phát biểu của Đại sứ Johan Ndisi và đại diện Tập đoàn Syre, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) trong đó có Thụy Điển là đối tác kinh tế thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, từ khi hai bên ký Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư, làn sóng đầu tư cũng như quan hệ kinh tế thương mại tăng lên rất nhanh sau mỗi năm. Có thể nói, EU có tất cả những thứ Việt Nam cần và Việt Nam đáp ứng tất cả những thứ EU cần, trong đó có Thụy Điển, vì thế, hai bên cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước lên một tầm cao mới, trong đó có những đề xuất cụ thể liên quan đến dự án Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Việt Nam được xem là công xưởng của thế giới với kim ngạch thương mại hàng năm tăng 15-17%, quy mô thương mại gần 800 tỷ USD, liên tục trong những năm qua, Việt Nam đứng thứ 18 trong số các quốc gia có quy mô thương mại lớn trên thế giới. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 7% trong năm 2025, dự kiến đạt 8% trong năm 2025 và phấn đấu đạt từ 10% trở lên trong những năm tiếp theo dựa vào ba động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng đã đặt ra, Việt Nam vừa phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa phải thúc đẩy tạo ra những động lực mới như: ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Theo Bộ trưởng, những đề xuất của Tập đoàn Syre đưa ra đều đáp ứng được động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới là đầu tư và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ dự án này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, việc nhập khẩu tái chế thì vấn đề môi trường là quan trọng nhất, vì thế, Việt Nam rất quan tâm về những công nghệ mà Tập đoàn Syre sẽ áp dụng trong quá trình sản xuất và các công đoạn tẩy, nhuộm, hấp, hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, các công nghệ này cần bảo đảm sạch, an toàn cho môi trường, đáp ứng về việc xử lý nước thải và rác thải của dự án. Bên cạnh đó, việc lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước để tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ có thể nội địa hóa hoặc kết nối các doanh nghiệp trong nước để cùng thực hiện mục tiêu của dự án. Đặc biệt, dự án cần chứng minh được hiệu quả về kinh tế xã hội đối với Việt Nam.
“Khi có câu trả lời cho những vấn đề đã được nêu trên thì sẽ tìm được cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình triển khai dự án. Nếu Syre chứng minh được sự vượt trội của dự án về công nghệ sản xuất, khả năng đóng góp về kinh tế xã hội cho Việt Nam cũng như khả năng tạo thành chuỗi sản xuất khép kín trong nước thì Bộ Công Thương sẵn sàng tham mưu cấp có thẩm quyền để có cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Nguồn tin: moit.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn